Từ năm 2013 đến 2022, số giáo sư, phó giáo sư giảm rõ rệt, có ngành học 10 năm không có ứng viên, trong khi chỉ còn hai phó giáo sư đã về hưu.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước hồi cuối tháng 11 đã công nhận 34 ứng viên đạt chức danh giáo sư, 349 phó giáo sư, tổng 383. Trong 10 năm qua, đây là con số thấp gần nhất, chỉ nhiều hơn năm 2020 với 339 người được công nhận.
Trong 10 năm, 19 trên 28 ngành giảm số ứng viên được công nhận giáo sư, phó giáo sư, nhiều ngành giảm trên 60% như: Dược học (từ 12 xuống 4), Luyện kim (từ 3 còn 1), Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học, Nhân học (15 xuống 2), Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao (19 còn 4). Riêng Tâm lý học “trắng bảng” khi không ứng viên nào đạt hai chức danh này. Còn ngành Pháp y đã 10 năm nay không có ứng viên nào.
Số giáo sư, phó giáo sư được công nhận nhìn chung tăng trong giai đoạn 2013-2017. Riêng kỳ xét giáo sư, phó giáo sư năm 2017, số giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn tăng vọt lên 1.131, cao nhất trong 41 năm từ khi bắt đầu phong hàm giáo sư. Thời điểm đó, nhiều chuyên gia gọi đây là “chuyến tàu vét” bởi 2017 là năm cuối xét công nhận giáo sư, phó giáo sư theo tiêu chuẩn cũ (quyết định 174 năm 2008), không yêu cầu ứng viên phải có công bố quốc tế.
Tháng 10/2018, quyết định 37 của Chính phủ về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư có hiệu lực, thay thế quyết định 174. Và kể từ kỳ xét đầu tiên theo tiêu chuẩn mới vào năm 2019, số giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh so với giai đoạn trước. So với năm “đạt đỉnh” 2017, số ứng viên đạt chuẩn bốn năm gần đây chỉ bằng một phần ba.
PGS.TS Ngô Tứ Thành, giảng viên cao cấp Viện Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhận định một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm giáo sư, phó giáo sư là do yêu cầu ứng viên phải có “bài báo khoa học quốc tế” thay vì bài báo hay đề tài nghiên cứu khoa học như trước.
Cụ thể, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính đã công bố ba bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế. Trong đó, bài báo là công trình khoa học của tác giả đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN. Ứng viên phó giáo sư phải là tác giả chính đã công bố ít nhất hai bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế.
Từ ngày 1/1/2020, ứng viên giáo sư cần là tác giả chính của ít nhất 5 bài báo khoa học đã công bố, ứng viên phó giáo sư là 3 bài. Để được công nhận, những nghiên cứu này phải được đăng trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus (hai hệ thống dữ liệu uy tín trên thế giới, đăng tải tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) hoặc danh mục khác do Hội đồng Nhà nước quy định.
“Quy định mới góp phần loại bỏ những ứng viên không vươn ra “biển lớn”, chỉ những tiến sĩ thực sự có năng lực mới nộp hồ sơ, nhưng số này không nhiều”, ông Thành nói.
Ngoài ra, ông Thành cho rằng nguyên nhân của sự sụt giảm còn đến từ hệ thống giáo dục sau đại học. “Chương trình đào tạo cao học, tiến sĩ, rất hiếm nội dung hướng dẫn học viên phương pháp khoa học trên các tạp chí quốc tế. Trong khi đó, các tiểu luận, bài tập lớn lại nặng hình thức, trình bày câu chữ mà chưa tập trung hàm lượng khoa học”, ông Thành nói và nhận định điều này khiến tiến sĩ “thiếu khả năng vươn cao bay xa”.
Theo một chuyên gia ngành Tâm lý, số giáo sư ngành này tại Việt Nam đến nay mới có 10 người, nhưng một nửa đã mất hoặc nghỉ hưu, chỉ còn năm người đang làm việc. Trong 7 năm qua, bộ môn Tâm lý của Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội có một ứng viên. Tại Việt Nam, hiện khoảng hơn 30 trường có đào tạo ngành Tâm lý, hầu hết không có giáo sư, phó giáo sư.
Nguyên nhân chính là các ứng viên không đáp ứng được yêu cầu phải có công bố quốc tế. Vị này cho rằng vấn đề nghiên cứu của tâm lý nhạy cảm, không kém gì chính trị và tôn giáo. Ông ví dụ, bài báo về sức khỏe tâm thần của người Việt sẽ dễ đăng nhưng lại “mang đến hình ảnh người Việt Nam ốm yếu, bệnh tật trong mắt người nước ngoài”.
Ngoài ra, ở các trường, số lượng đề tài được giao ít, trong khi giảng viên trong khoa nhiều nên cơ hội để giảng viên làm chủ nhiệm một đề tài cấp cơ sở hoặc cấp bộ, ngành “càng khiêm tốn”. Trong khi, đây cũng là một tiêu chuẩn cứng để được xét. “Các tiêu chí phức tạp và khó khăn khiến nhiều người muốn mà phải từ bỏ ý định phấn đấu lên phó giáo sư, giáo sư”, ông nói và cho rằng nếu không thay đổi tiêu chuẩn xét duyệt, “chắc chắn 1-2 năm nữa sẽ không có giáo sư, còn phó giáo sư rất ít”.
Đây cũng là tình trạng của một số ngành Khoa học xã hội. Triết học – Chính trị học – Xã hội học, Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao, Ngôn ngữ học, Văn học đều thuộc nhóm giảm số giáo sư, phó giáo sư nhiều nhất.
Y học – ngành luôn thuộc nhóm có nhiều giáo sư, phó giáo sư được công nhận nhất, cũng vẫn có chuyên ngành khan hiếm nhân lực trình độ cao, trong đó phải kể tới Pháp y.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Sỹ Lánh, Trưởng bộ môn Y pháp (trường Đại học Y Hà Nội), Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong 10 năm qua, không có ứng viên nào được công nhận giáo sư hay phó giáo sư ngành Pháp y. Bác sĩ Lánh cũng cho biết, có năm phó giáo sư ngành gần với Pháp y, nhưng bốn người đã về hưu. Nếu xét riêng ngành Pháp y, từ trước đến nay chỉ có hai phó giáo sư và đều đã về hưu.
Cả nước có 63 phòng, trung tâm, tổ chức giám định pháp y, theo nghiên cứu năm 2020 của Viện Sức khỏe cộng đồng. Trong 790 cán bộ, nhân viên có 194 giám định viên, 262 bác sĩ pháp y và 157 kỹ thuật viên y, còn lại nhân viên văn phòng hoặc chuyên môn khác. Trong khi đó, trung bình mỗi năm, khoảng 45.000-50.000 vụ việc cần giám định. “Đây là khối lượng công việc rất lớn, vất vả, nhất là đội ngũ giám định viên làm công tác giám định pháp y tử thi”, nghiên cứu nêu.
Việc thiếu giáo sư, phó giáo sư Pháp y, theo ông Lánh, chỉ là phần ngọn của vấn đề, bởi ngành này gặp khó khăn ngay từ bước tuyển sinh bậc đại học. “Công việc Pháp y khó, khổ, lại thường xuyên làm ngoài giờ hành chính, chưa kể mức đãi ngộ không hấp dẫn”, ông Lãnh chia sẻ.
Xu hướng giảm phó giáo sư, giáo sư tại Việt Nam không giống với nhiều nước trên thế giới. Ông Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư Y khoa của Đại học New South Wales và giáo sư kiêm nhiệm dịch tễ học và thống kê thuộc Đại học Notre Dame, Australia, cho biết ở nước ngoài, giáo sư là một chức vụ, không phải phẩm hàm hay chức danh và có thời hạn, thường là 5 năm. Do đó, việc tăng, giảm giáo sư hay phó giáo sư ở nước ngoài thường chỉ tác động và ảnh hưởng ở quy mô cơ sở đào tạo, không phải vấn đề quốc gia.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các chuyên gia đánh giá việc giảm số lượng giáo sư, phó giáo sư ở nhiều ngành sẽ thu hẹp quy mô đào tạo sau đại học.
Theo Thông tư 09 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để mở ngành đào tạo tiến sĩ, trường đại học phải có ít nhất một giáo sư hoặc hai phó giáo sư và ba tiến sĩ. Những người này phải là giảng viên cơ hữu tại ngành đó, hoặc ngành gần đúng. Điều này có nghĩa khi giáo sư về hưu, dù được trường đại học tiếp tục ký hợp đồng lao động, họ không được tính là giảng viên cơ hữu mà công tác theo dạng thỉnh giảng. Nếu không đủ số lượng giáo sư, phó giáo sư cơ hữu, các trường không thể mở ngành đào tạo sau đại học.
Trả lời VnExpress vào đầu tháng 10, lãnh đạo một trường Y Dược cho biết tình trạng khan hiếm giáo sư, phó giáo sư có thể khiến các ngành hiếm, kén thí sinh như Lao, Ký sinh trùng, Pháp y khó duy trì đào tạo.
Ông Lánh cho biết Bộ môn Y pháp tại trường Đại học Y Hà Nội là cơ sở duy nhất cả nước đào tạo ngành Pháp y bậc sau đại học. Để có thể duy trì các hệ này, trong các năm qua, giảng viên đứng lớp là các phó giáo sư ngành gần đúng với Pháp y.
Cả nước hiện có gần 300 trường đại học với 682 giáo sư, 4.760 phó giáo sư giảng dạy toàn thời gian, tương đương 0,89 và 6,21% trong số 76.000 giảng viên đại học, theo Niên giám thống kê năm 2021. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá con số này là thấp so với nhu cầu trong nước và tương quan khu vực.
Một giáo sư ở Việt Nam cho biết khi làm việc với các đại học nước ngoài, đa số nhân sự trong khoa đều là giáo sư, phó giáo sư. Giáo sư ở các nước do trường bổ nhiệm dựa vào năng lực khoa học (các công bố trên tạp chí quốc tế), không thông qua hội đồng nhà nước.
Còn theo Universities Australia, tổ chức đại diện cho các đại học của Australia, năm 2021, 43 đại học của nước này có 18.000 giảng viên sau tiến sĩ, 15.000 giảng viên (lecturer), 10.000 giảng viên cao cấp (senior lecturer) và 17.000 phó giáo sư và giáo sư.
Để khắc phục tình trạng giảm giáo sư, phó giáo sư, PGS.TS Ngô Tứ Thành cho rằng cần nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh tại các trường đại học. Trong quá trình hoàn thành luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh cần được hướng dẫn, tập dượt nghiên cứu khoa học theo hướng hội nhập thế giới.
Theo GS. TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Nông nghiệp – Lâm nghiệp, lãnh đạo trường cũng cần quan tâm đến chất lượng giảng viên, có thể đặt tiêu chí như phải có công bố quốc tế ở trình độ nhất định mới được hướng dẫn nghiên cứu sinh. “Các giải pháp phải đồng bộ, tạo thành chỉnh thể để hỗ trợ lẫn nhau, giúp hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học phát triển”, ông Viên nói.
GS Nguyễn Văn Tuấn gợi ý có thể gửi sinh viên Tâm lý ra nước ngoài để đào tạo tiến sĩ. “Cần phải có một thế hệ tiến sĩ Tâm lý học mới từ phương Tây và họ sẽ đào tạo theo định hướng quốc tế cho Việt Nam. Họ sẽ quay về và tạo nên trường phái Tâm lý học mới”, ông Tuấn đề xuất.
GS.TS Trần Đức Viên nhận định có nhiều giải pháp để tăng số giáo sư, phó giáo sư nhưng không nên chọn cách hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá. Ông cho rằng Quyết định 37 năm 2018 là bước tiến quan trọng để giáo dục đại học tại Việt Nam thích ứng với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Do đó, dù khó, các tiêu chí tại văn bản này vẫn cần thiết.
“Dễ dãi trong đánh giá là tự tách mình khỏi ‘cuộc chơi’ của thế giới. Hội nhập về giáo dục, nghiên cứu khoa học vừa là nhu cầu, vừa là yêu cầu tất yếu, đồng thời là mệnh lệnh của sự phát triển, không thể khác”, ông Viên nói.